Xuất thân Lý_Khắc_Dụng

Nguồn gốc tên gọi

Lý Khắc Dụng sinh ra ở Tân Thành của Thần Vũ Xuyên[1]. Tổ tiên của ông là người bộ lạc Xử Nguyệt, dân tộc Tây Đột Quyết, vì sống ở một nơi đồi cao trong sa mạc có tên là Sa Đà[2], mới lấy Sa Đà làm tên của bộ tộc, xưng là Sa Đà Đột Quyết, rồi lấy Chu Tà làm họ.

Tương truyền tổ tiên của Lý Khắc Dụng được sinh ra trong tổ chim điêu, tù trưởng lấy làm quái dị, đem cho các nhà luân lưu chăm sóc, nên mới có họ là "Chư Gia" (chữ Hán: 诸爷), tức là không được riêng ai chăm sóc. Truyền mãi về sau thành ra "Chu Tà", tức là Chư đổi thành Chu, Gia đổi thành Tà, nhưng âm đọc thì không thay đổi.

Sau đó, bộ tộc Sa Đà vì chiến loạn mà chuyển về phía đông, dời đến ở khu vực ngày nay là một dải Định Tương, Sơn Tây. Ông tổ của Lý Khắc Dụng là Bạt Dã đã đi theo Đường Thái Tông đánh Cao Ly, Tiết Diên Đà người Hồi Hột. Quân Sa Đà có hàng vạn kị binh kiêu dũng thiện chiến, đời đời trung thành với nhà Đường.

Ông nội là Chu Tà Chấp Nghi, nhậm chức Thứ sử Úy Châu[3], Đại Bắc Hành doanh Chiêu thảo sứ. Cha là Chu Tà Xích Tâm, nhậm chức Thứ sử Sóc Châu [4], vì thảo phạt Bàng Huân có công, được ban tên là Lý Quốc Xương, thăng làm Chấn Vũ Tiết độ sứ. Lý Khắc Dụng là con trai thứ ba của Quốc Xương, vì thế mà có họ Lý.

Tuổi trẻ nổi danh

Sử chép Lý Khắc Dụng từ bé đã nói năng như ở trong quân ngũ, thích cưỡi ngựa bắn tên. Vì một mắt của ông bị chột, nên có ngoại hiệu là "độc nhãn long".

Năm ông lên 13 tuổi (868), Bàng Huân lãnh đạo lính thú Quế Lâm khởi nghĩa, thanh thế rất lớn, ngang dọc các vùng Sơn Đông, Giang Tô, An Huy. Triều Đường vô cùng sợ hãi, vội triệu kỵ binh Sa Đà đến cứu viện.

Lý Khắc Dụng theo cha xuất chinh, kiêu dũng phi thường, trong quân gọi ông là "phi hổ tử", có sách còn chép một ngoại hiệu khác là "Lý nha nhân" (chữ Hán: 李鸦儿) [5]. Vì trấn áp khởi nghĩa có công, ông được phong làm Vân Trung nha tướng, năm sau được thăng làm Vân Trung thú tróc sứ.